Những lần rơi nước mắt khi học MBA ở Mỹ

Những lần rơi nước mắt khi học MBA ở Mỹ
Từng được nhà tuyển dụng ở Việt Nam săn đón, nhưng khi sang Mỹ học MBA, anh Đinh Lê Vũ khóc nức nở giữa trận bão tuyết, sau khi trượt phỏng vấn thực tập.
Anh Đinh Lê Vũ, sinh năm 1991, quê Đồng Nai, nhận học bổng Fulbright cho chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Mỹ từ năm 2019. Hiện, anh làm phân tích kinh doanh và xây dựng chiến lược tại Tập đoàn Qualcomm, Mỹ. Trong hai năm học MBA ở Đại học San Francisco, bang California, Mỹ, anh Vũ nhiều lần thất bại. Anh chia sẻ những lần "đau đớn" từng trải qua.

Tôi đến Mỹ học MBA với tâm trạng thoải mái, tự tin vì đã đi làm 5 năm trước. Tôi nghĩ điều này đồng nghĩa với việc mình đủ trưởng thành để thử thách bản thân ở một đất nước mới. Ngoài ra, tôi có học bổng toàn phần, tức là sẽ không gặp áp lực về tài chính. Vậy mà hai năm tưởng chừng nhanh và dễ dàng ấy, tôi đã phải rơi nước mắt, và không chỉ một lần.
Sốc văn hóa
Khó khăn tạm gọi là "kinh điển" của bất kỳ du học sinh nào, đó là sốc văn hóa, chưa thể hòa nhập trong môi trường hoàn toàn mới, nếm trải nỗi cô đơn nơi xứ người và nhớ nhà da diết. Tôi 28 tuổi, từng quản lý hàng chục nhân viên, IELTS rất khá vậy mà những ngày đầu ở Mỹ, mỗi lần định nói gì đó thì tôi bị sốc bởi quá nửa bạn bè, thầy cô không hiểu mình định diễn đạt cái gì.
Trong lớp, mỗi khi giáo sư đặt câu hỏi, trong lúc tôi còn bận sắp xếp suy nghĩ để đưa ra câu trả lời thì bạn bè đã tranh nhau giơ tay và phát biểu. Khi làm việc nhóm, chàng trai từng tự tin với khả năng quản lý công việc và tương tác với nhiều người lại phải vật vã để không trở thành người vô hình. Mỗi lần có sự kiện cần sự tương tác, giao lưu với mọi người, một người từng tự tin với khả năng ăn nói như tôi lại đứng chơ vơ, không chỉ vì rào cản ngôn ngữ, mà còn không hiểu được văn hóa và ý nghĩa của những câu chuyện được chia sẻ.
Những ngày bị cảm, sốt, dịp lễ Tết, tôi chơ vơ giữa đất nước hoàn toàn xa lạ, nhớ gia đình và đồ ăn Việt Nam da diết nhưng chỉ biết nuốt vội miếng pizza để làm nốt bài tập, không quên dặn mình mùa hè tới sẽ được về thăm nhà. Thế nhưng, Covid-19 ập đến, mọi chuyến bay thương mại về Việt Nam đều bị hủy.
Nước Mỹ lại bước vào giai đoạn nhạy cảm với các sự kiện bầu cử tổng thống, biểu tình cho phong trào Black lives matter, đỉnh điểm là tình trạng kỳ thị, tấn công người châu Á dâng cao. Những lần như thế, nước mắt ướt đẫm cả gối, tôi tự hỏi du học MBA sao mà vất vả, khó khăn và đầy nỗi sợ hãi thế.
Tìm công ty thực tập
Chỉ là thực tập thôi, có gì mà phải khóc? Nhiều người sẽ như vậy, nhưng đây là một trong những trải nghiệm khó khăn và đau đớn nhất mà tôi từng trải qua. Ở Việt Nam, tôi có thể là nhân viên xuất sắc, được nhiều nhà tuyển dụng săn đón, nhưng chỉ là con số 0 tại Mỹ.
Không phải người bản xứ, không có kinh nghiệm làm ở những tập đoàn lớn nổi tiếng toàn cầu, không học ở những trường hàng đầu như Harvard, Stanford, hồ sơ của tôi chìm nghỉm giữa hàng trăm ứng viên khác. Có lần, tôi vừa bấm gửi đơn thì hơn một phút sau đã nhận mail từ chối vì không đáp ứng được những điều kiện cơ bản qua máy lọc hồ sơ tự động.
Trầy trật gửi hơn 100 đơn, tôi may ra nhận được một cuộc gọi phỏng vấn. Những lúc như thế, tôi vui như được cho quà, tất bật tìm hiểu về công ty, luyện trả lời. Thế nhưng, nhiều khi nội dung trả lời có hay thế nào thì cách phát âm tiếng Anh với giọng của người châu Á, tôi vẫn thấy mình thua ngay từ đầu.
Có lần, tôi nhận được thư mời phỏng vấn cho một tập đoàn lớn ở New York. Tôi luyện tập ngày đêm và chờ ngày bay hơn 5 tiếng đến trụ sở công ty. Lúc đó, New York đang vào mùa đông, lại có bão tuyết nên chuyến đi của tôi hết sức vất vả. Phỏng vấn gồm hai vòng, ai qua vòng buổi sáng mới được tham gia vòng hai vào buổi chiều. Kết quả, hình như tôi là người duy nhất trượt ngay vòng đầu. Đi bộ thất thểu từ công ty về khách sạn trong lúc tuyến rơi dày, tôi vừa co ro vừa khóc nức nở. Tôi nhận ra mình không giỏi như bản thân vẫn nghĩ, đặc biệt ở môi trường cạnh tranh như Mỹ.
Lần khác, tôi cũng được tham gia phỏng vấn tại một công ty mình yêu thích. Đặt hết tâm huyết và chuẩn bị chu đáo trước ngày phỏng vấn, tôi vượt qua buổi trò chuyện một cách suôn sẻ, trả lời tốt các câu hỏi. Đôi lúc, tôi còn pha trò hài hước và nhận được nụ cười thân thiện từ những người phỏng vấn. Vậy mà, ba ngày sau, đập vào mắt tôi vẫn là lá thư từ chối. Tôi bỏ ăn gần hai ngày, cứ nằm trên giường, mắt chăm chăm nhìn trần nhà và tự hỏi mình đã làm gì sai.
Hay là hành trình này đã sai ngay từ lúc đầu? Điều khó chịu nhất của những lần thất bại là cảm giác hoài nghi về bản thân, mình giống như một kẻ ngu ngốc, mọi cố gắng đều trở nên vô nghĩa. Tôi đã nghĩ rằng thật đau đớn khi bay nửa vòng trái đất đến Mỹ để học nhưng lại đánh mất lòng tin vào chính mình, thứ tôi vẫn coi là quý giá nhất.
Khi "hái được quả ngọt"
Lòng kiên trì đủ lớn rồi cũng sẽ hái được quả ngọt. Thật may mắn, hành trình của tôi ở Mỹ kết lại với những giọt nước mắt của sự hạnh phúc. Đó là khi tôi được hít hà ăn bát phở Việt Nam trên đất Mỹ, khi Tết xa nhà nhưng vẫn có bánh tét, củ kiệu, chả giò ngon như mẹ làm; khi bài thi lần đầu được điểm cao nhất lớp, nhận tuyên dương từ giáo sư; khi phát âm cải thiện nhiều được bạn bè bản xứ khen ngợi; khi được trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và những nét văn hóa đa dạng trong cuộc sống ở Mỹ; và khi được nhận thư mời làm việc của một công ty công nghệ lớn sau hàng trăm lần thất bại.
Tôi nhận ra, dù có gặp bao nhiêu khó khăn và thử thách, nhiều lúc tưởng như không có gì thì mình vẫn còn niềm tin, sự giúp đỡ và ủng hộ từ gia đình, bạn bè, thầy cô và cộng đồng người Việt ở Mỹ. Nhóm du học sinh MBA ở Mỹ hiện chỉ có khoảng 400 thành viên, nhưng thường xuyên giúp đỡ và hỗ trợ nhau, và có rất nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực để giúp mọi người hòa nhập, sống và làm việc thuận lợi, thành công hơn nơi xứ người.
Tôi được cùng các bạn ăn tất niên trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, giúp đỡ nhau học tập, tìm việc, luyện phỏng vấn, và cả đồng hành trong những chuyến đi trải nghiệm khắp nước Mỹ nữa. Đặc biệt, vào đầu tháng 6, nhóm MBA đã tổ chức một buổi tốt nghiệp online với sự góp mặt của gần 100 thành viên, trong đó có nhiều anh, chị đã gặt hái được nhiều thành công. Tất cả là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng người Việt xa xứ, đồng thời thể hiện sự năng động, lạc quan, luôn hướng về những điều tích cực.
Trải nghiệm hai năm học MBA của tôi phải rơi nhiều nước mắt, nhưng thật may rằng sau những lần khóc vì buồn bã, ấm ức hay tủi thân, tôi vẫn có lúc khóc vì hạnh phúc. Quãng thời gian ở Mỹ giúp tôi hiểu, điều quan trọng là đừng đánh mất niềm tin ở bản thân, khó khăn chỉ là tạm thời, chỉ cần kiên trì và không ngừng cố gắng, bạn sẽ sớm vượt qua và đạt được mục tiêu đã đặt ra.

Bình luận

Đăng bình luận

Bạn đã có tài khoản? Vui lòng Đăng nhập hoặc Đăng ký để gửi đánh giá.