Đến nay, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam có hơn 5000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 2,5 triệu lao động. Kim ngạch xuất khẩu năm 2015 của ngành là 25,790 tỉ đô la Mỹ (trong đó : sản phẩm dệt may chiếm 22,81 tỉ đô la Mỹ, xơ sợi dệt các loại chiếm 2,54 tỉ đô la Mỹ), tăng 4,45% so với năm 2014 và kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2016 tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2015.

1. Đánh giá chung ngành công nghiệp dệt may Việt Nam

Ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với sự phát triển của công nghệ kĩ thuật, đội ngũ lao động có tay nghề ngày càng chiếm tỉ lệ lớn và sự ưu đãi từ các chính sách nhà nước, ngành dệt may đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, vừa tạo ra giá trị hàng hóa xuất khẩu, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Năng lực sản xuất

Ngành dệt may Việt Nam có năng lực sản xuất cao. Ngành may hiện có 4.424 doanh nghiệp (tính đến 31/12/2013), sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động. Sản phẩm may đạt 4 tỷ đơn vị. Ngành dệt may còn có các sản phẩm khác bao gồm bông xơ 8000 tấn, sợi 900 nghìn tấn, vải 1,5 tỷ m2. Tỷ lệ nội địa hóa chung toàn ngành đạt khoảng 50%.

Năng lực xuất khẩu

Năng lực xuất khẩu của ngành dệt may cũng rất ấn tượng. Cho đến năm 2012 hàng dệt may là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam, từ năm 2013 đứng thứ hai (sau điện thoại di động). Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 4 thế giới, chiếm 4,92% giá trị xuất khẩu dệt may toàn cầu năm 2014, sau Trung Quốc, Bangladesh, Italia. Cả nước có trên 3.100 doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, trong đó 1,2% doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD, 3,25% doanh nghiệp đạt trên 50 triệu USD, 30% doanh nghiệp đạt trên 1 triệu USD (số liệu năm 2014).

Phương thức xuất khẩu dệt may Việt Nam

Hàng dệt may Việt Nam có chất lượng và uy tín, có thể đáp ứng được các đơn hàng lớn, sản lượng linh hoạt. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu theo hai phương thức là CMT và FOB đơn giản như sau:
Phương thức gia công hàng xuất khẩu - CMT (Cut - Make - Trim): là phương pháp xuất khẩu đơn giản nhất. Khi hợp tác theo phương thức này, các khách mua, các đại lý mua hàng và các tổ chức mua hàng cung cấp cho doanh nghiệp gia công toàn bộ đầu vào để sản xuất sản phẩm bao gồm mẫu thiết kế, nguyên liệu, vận chuyển. Các nhà sản xuất chỉ thực hiện việc cắt, may và hoàn thiện sản phẩm. Doanh nghiệp thực hiện việc xuất khẩu theo CMT chỉ cần có khả năng sản xuất và một chút khả năng thiết kế để thực hiện mẫu sản phẩm.
Phương thức xuất khẩu FOB (Free On Board): FOB là một phương thức xuất khẩu ở bậc cao hơn so với CMT. Thuật ngữ FOB trong ngành dệt may được hiểu là một hình thức theo kiểu mua đứt - bán đoạn. Theo phương thức FOB, các doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào quá trình sản xuất, từ việc mua nguyên liệu đến cho ra sản phẩm cuối cùng. Khác với CMT, các nhà sản xuất theo FOB sẽ chủ động mua nguyên liệu đầu vào cần thiết thay vì được cung cấp từ người mua của họ. Các hoạt động theo phương thức FOB thay đổi đáng kể dựa theo các hình thức quan hệ hợp đồng thực tế giữa nhà cung cấp với khách mua hàng nước ngoài.
Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam hiện nay chủ yếu may gia công theo hình thức CMT (cut, make and trim) đơn giản cho các hãng nước ngoài. Tỷ trọng xuất khẩu dưới hình thức này chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành. Do vậy, tốc độ tăng trưởng của ngành cao nhưng giá trị gia tăng của ngành còn thấp.